image advertisement


image advertisement

image advertisement
anh tin bai

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Truyền thống lịch sử hình thành và phát triển của xã Minh Tân

Xã Minh Tân thuộc miền trung của huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định nằm sâu ở châu thổ Sông Hồng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Phía bắc giáp xã Tân Khánh,

Phía nam cùng chung núi Ngăm với xã Kim Thái,

Phía đông giáp xã Cộng Hoà,

Phía tây, tây nam có dòng sông Ba Sát(sông Sắt) ngăn cách với huyện Ý Yên.           

         Minh Tân có diện tích tự nhiên là 693,11 ha, trong đó có 494,18 ha đất nông nghiệp, còn lại là các loại ruộng đất sử dụng khác. Đến năm 2000 Minh Tân có 1.283 hộ gia đình, dân số có 5.016 người. Xã Minh Tân ngày nay là do nhiều thôn xã trước kia hợp nhất tạo thành một đơn vị hành chính, một cộng động dân cư bao gồm nhiều thế hệ nối tiếp nhau đi suốt chiều dài lịch sử với thời gian hàng nghìn năm về trước. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây đã đồng lòng chung sức chống chọi với thiên nhiên, với áp bức bao tàn của thù trong giặc ngoài để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trải qua các triều đại phong kiến rồi đến thời thực dân Pháp thống trị nước ta, trên mảnh đất Minh Tân đã tồn tại 3 đơn vị hành chính cùng với bộ máy cai trị của thực dân phong kiến của các xã trang Nghiêm Hạ, trang Nghiêm Thượng và Trừng Uyên. Cả ba xã này đều thuộc tổng Đồng Đội, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến đầu năm 1946, sau Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, chính quyền nhân dân các cấp được thành lập và củng cố, ba xã trên vẫn giữ nguyên xã hiệu như cũ. Tháng 4 năm 1947, để tiện việc chỉ đạo kháng chiến chống Pháp, được Chính phủ cho phép huyện Vụ Bản tổ chức sáp nhập ba xã thành xã mới. Theo sự gợi ý của cụ Bùi Trình Khiêm (người thôn Vân Tập) - Đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, HĐND xã họp và quyết định đặt tên cho xã mới là xã Minh Tân với ý nghĩa là dưới ánh sáng chế độ mới, mảnh đất và con người quê hương đã thoát ra khỏi ách gông cùm tăm tối của chế độ thực dân phong kiến và mãi mãi vươn lên để quê mình luôn luôn sáng đẹp, ngày một đổi mới. Ngày 19/8/1960, Chính phủ quyết định nhập thôn Vân Tập thuộc xã Cộng Hoà vào xã Minh Tân. Cuối năm 1978 Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định ra quyết định cho xã Minh Tân được xây dựng khu dân cư mới Tân Lập, hiện nay xã Minh Tân có bảy tụ điểm dân cư gồm các thôn xóm: Ngăm Thượng, Ngăm Hạ, Triều, Lúa Đò, Hoàng, Vân Tập và Tân Lập. Tuy nằm sâu giữa đồng bằng Bắc Bộ nhưng địa hình của xã không hoàn toàn bằng phẳng, ở điểm cực nam của xã có núi Ngăm cao 70m, ngọn núi đầu tiên của dải núi đất chạy dọc theo phía tây của huyện Vụ Bản bên cạnh về phía Tây là dòng sông Sắt uốn quanh. Núi non trải dài một dải giữa đồng bằng lộng gió là cảnh quan đặc sắc của xã Minh Tân nói riêng và của huyện Vụ Bản nói chung và cũng là hiện tượng hiếm thấy ở châu thổ sông Hồng. Điều kỳ thú hơn là Minh Tân đã có núi lại có sông uốn khúc tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình. Dòng sông Ba Sát (còn gọi là sông Sắt ) nối liền sông Châu với sông Đáy chảy vào Minh Tân đoạn từ Phong Cốc đến cầu Ngăm thì men theo sườn phía Tây núi qua cầu Tào đổ vào cống Vĩnh Trị (Ý Yên). Đường 12 (nay là quốc lọ 38A) nối liền Nam Định với Ninh Bình đi qua giữa huyện Vụ Bản cắt ngang đường 56 (nay là đường 37B) ở ngã tư Đồng Đội (tiền thân của đường 56 là đường Dịch Mã (Thiên Lý) và Nam Đội (Đồng Đội) là một trong những trạm dịch mã thời đó có tên trong Đại Nam Nhất Thống Chí) . Đường 38A và đường 37B tạo nên sự giao lưu thuận tiện cho nhân dân trong xã với các vùng miền trong huyện và các tỉnh bạn. Điều kiện thiên nhiên có núi, có sông giữa đồng bằng đã thuận lợi cho cư dân nguyên thuỷ về đây sinh sống. Qua các hiện vật khảo cổ tìm được, chứng tỏ vào hậu kỳ đồ đá mới sang thời đại kim khí (cách ngày nay khoảng 4.000) năm đã có mặt các nhóm dân cư sinh sống dưới chân núi Ngăm, núi An Thái, núi Bảng, núi Lê, núi Gôi và núi Hổ. Có thể thấy rằng đất Minh Tân nằm trong vùng đất được bồi đắp của sông Hồng từ triệu năm này đến triệu năm khác và con người đã đến chinh phục nơi đây qua biết bao thế hệ. Đặc điểm tự nhiên của địa hình xã Minh Tân là vùng bị bào mòn, bồi tụ phù sa cổ, đất thấp, một dải trũng tạo thành địa hình ô trũng; đất đai ở đây do bị ngập nước lâu ngày nên độ phì kém, độ pH cao vì nằm sâu trong đất liền, do biển lùi nhanh, các đồi núi xung quanh và đê điều che chắn kín sóng, nước phù sa ít tràn vào nên vùng đất này bị ngập úng triền miên, gây nhiều khó khăn vất vả cho cư dân. Trước đây, việc đi lại của nhân dân rất vất vả “sáu tháng đi bằng chân, sáu tháng đi bằng tay”. Với đặc điểm tình hình đất đai, vùng đất Minh Tân thường xuyên chứa đựng cả những yếu tố thuận lợi và khó khăn. Song với xu hướng phát triển của lịch sử, con người luôn luôn tiến từ vùng núi cao xuống vùng đất thấp, từ vùng núi xuống đồng bằng. Những đợt di dân đó diễn ra từ hàng ngàn năm nay bất chấp sự đe doạ của bão tố, ngập lụt, nắng hạn, sự giận dữ của trời biển. Ngoài việc thu lượm những sản phẩm sẵn có trong thiên nhiên, người nguyên thuỷ ở đây đã biết sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi. Theo các truyền thuyết cổ tích, thần tích, thần phả, văn bia, thư tịch cổ còn lưu giữ được cho thấy, người Việt cổ đã di cư từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Những di vật khảo cổ tìm thấy trên mảnh đất này là dấu tích người Lạc Việt sinh sống ở Minh Tân và các vùng lân cận. Tuy nhiên ở thời kỳ Hùng Vương dựng nước, khi Vụ Bản còn là huyện Bình Chương thuộc bộ Lục Hải thì Minh Tân còn là một miền đất lầy lội hoang vu, nối liền với Côi Sơn hải khẩu, một địa danh nơi tận cửa biển, con người đến đây còn rất thưa thớt. Trải qua biến thiên của lịch sử, vùng đất này ngày càng hướng ra biển Đông, do phù sa bồi đắp và biển lùi ra xa, miền đất hứa được hình thành có sức hấp dẫn đối với con người tứ xứ. Đã nhiều đời, dân cư từ vùng trung du đến, các vùng khác di chuyển theo triền sông Hồng, sông Đáy hoặc dò theo bờ biển về đây khai phá lập nghiệp ở làng xã Minh Tân ngày nay. Đến đây, họ mang theo cả những tập quán sản xuất thành thục, những truyền thống văn hoá lâu đời và nhanh chóng hoà nhập với sự phát triển chung của nền văn minh sông Hồng, đồng thời cùng chung đúc, hình thành cốt cách riêng của người dân vùng đồng chiêm trũng. Đến nay Minh Tân đã có nhiều dòng họ, chỉ khảo sát riêng làng Triều (Chiều) một tụ điểm dân cư có tới 9 họ cùng chung sống và hầu hết là người Kinh. Ngay từ thuở sơ khai mở đất dựng nghiệp, những người đến Minh Tân đã chiếm lĩnh khu đất cao để dựng lều cắm trại khai khẩn đất hoang trước hết là vệt chân núi Trang Nghiêm (Ngăm) nay là Trang Nghiêm Hạ, rồi đến Trang Nghiêm Thượng và Vân Tập... Nhiều làng cổ có tên nôm được chuyển thành Hán Việt như làng Ngăm nay là Ngăm Hạ và Ngăm Thượng. Tên đất tên làng đã gợi lại một thời xa xưa của vùng đất vốn có núi, có sông, có luồng lạch và hoang vu. Theo thư tịch cổ còn ghi lại thì đất Giao Chỉ xưa có ruộng lạc “Ruộng ấy theo nước triều lên xuống mà làm, dân khẩn ruộng ấy mà ăn gọi là lạc dân”. Minh Tân có dấu vết của những cánh đồng ruộng lạc thuở đó, dân cư tụ tập về đây cày cấy theo mùa nước triều lên xuống và lập thành làng Chiều ngày nay. Làng Lúa nguyên tên nôm vẫn được giữ cho đến ngày nay là Lúa Đò tên làng gắn với nghề sống nước từ xa xưa. Làng Vân Tập vốn là một cồn cát duyên hai xưa nhưng nay đã nằm sâu trong đất liền và trong quá trình kiến tạo làng xã đã bị san phẳng đến mức không còn nhận ra hình dạng cồn cát hoang thuở ban đầu. Muộn hơn là thôn Hoàng thuộc xã Trừng Uyên trước kia, theo truyền thuyết thì xưa có một người Tàu đến đây xây lên một cái bệ thờ thổ thần coi của, sau dân làng mới xây dựng to lên, nay gọi là đền Ao thờ bản cảnh Thành Hoàng. Ngôi đền này xây theo kiểu 4 mái có 4 gian chạy dọc, không rõ làm từ năm nào và được trùng tu năm Tự Đức thứ 9 (phải chăng tên làng Hoàng phản ánh dáng dấp xa xưa gợi lên trong truyền thuyết này khoảng 2000 năm về trước). Cùng trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, các triều đại phong kiến với những chính sách khuyến nông và những cuộc nội chiến kéo dài đã thúc đẩy quá trình khai hoang lấn biển với nhịp độ nhanh hơn, lập nên nhiều làng quê mới, ruộng vườn cứ mở rộng mãi, con người càng sinh sôi phát triển và ý thức về cội nguồn, về cuộc sống ngày càng trở nên sâu sắc. Vào những năm cuối thời Lý vì trong cảnh loạn ly, đời sống của nhân dân ở các làng xã (nay thuộc xã Minh Tân) gặp nhiều khó khăn. Sang thời Trần sức sản xuất được phục hồi, đồng ruộng và thôn xóm được mở rộng thêm. Công cuộc đắp đê phòng lụt hàng năm được tiến hành với quy mô lớn. Năm 1248 triều đình ra lệnh cho các hộ đắp đê từ đầu nguồn đến bờ biển gọi là đê Quai Vạc, đến thời Trần thì hệ thống đê điều dọc theo sông Hồng và các sông lớn ở đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ ngày nay, về cơ bản đã xây dựng và năm nào cũng được bồi đắp, tu bổ đê điều. Nhờ có chính sách khuyến nông của thời Trần, đê Ất Hợi được hình thành, con đê này dài hàng chục km, chạy dọc theo sông Đào, sông Ba Sát đồ sộ tạo thành một bức trường thành. Đó là công lao to lớn của ông cha từ thế hệ này đến thế hệ khác liên tiếp bồi đắp để bảo vệ sản xuất, bảo vệ mùa màng, bảo vệ dân chúng trong mùa bão lũ. Khi con đê Ât Hợi được hình thành thì các xã xung quanh hạn chế được lũ lụt, còn Minh Tân nằm trong vùng bối của dòng sông Ba Sát vì vậy các làng trong vùng bối quanh năm ngập lụt giống như những ốc đảo biệt lập. Để chế ngự dòng sông Ba Sát, trải qua nhiều thế hệ, người dân Minh Tân vừa phải đắp đê Ất Hợi, vừa phải đắp đê Quai Xanh uốn dòng sông Ba Sát. Đoạn đề này từ đề Ất Hợi ở đoạn Phong Cốc vòng từ bắc xuống nam xã dài khoảng 3.500m ngăn nước sông tràn vào để bảo vệ mùa màng, bảo vệ nhân dân trong mùa nước lũ. Tuy nhiên Minh Tân vốn là vùng đất trũng, thời phong kiến nhân dân đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đủ mức chế ngự thiên nhiên nên đời sống dân quê mình vẫn chưa có gì thay đổi. Từ khi dựng lều cắm trại để khai khẩn mảnh đất hoang vu này, tổ tiên chúng ta đã phải gắn bó hiệp lực với nhau chống thiên nhiên chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, xây dựng cuộc sống. Các dòng họ đã đùm bọc, tương trợ, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và đã sớm xây dựng truyền thống đoàn kết cộng đồng “Sống có họ hàng, chết có làng xóm”. Trong quá trình dựng nghiệp của lớp tiền nhân, thiên nhiên có lúc khắc nghiệt với con người, mưa dầm nắng hạn, giông tố bão bùng, song thiên nhiên vẫn dành cho con người phần ưu đãi, thuở hoang sơ cuộc sống ban đầu của ông cha ta rất vất vả cực nhọc, thiếu thốn đủ bề, nhưng đôi bàn tay lao động cần cù, sức khoẻ dẻo dai, ông cha ta đã thu nhập từ nghề chài lưới phụ cấp đời sống đỡ vất vả. Nguồn thu từ nghề trồng lúa nước tuy sản lượng còn thấp nhưng đã cung cấp một phần lương thực đáng kể cho nhân dân trong xã. Bên cạnh sản phẩm nông nghiệp, người dân Minh Tân lại có thêm nguồn thu nhập từ nghề thủ công truyền thống. Từ lâu làng Trang Nghiêm Hạ và các làng xung quanh đã có nghề đan lát, mây tre, nghề rèn, nghề thêu, nghề thợ mộc cũng được hình thành và phát triển. Một số làng cạnh đê Ba Sát có nghề trồng dâu nuôi tằm, khi nền kinh tế phát triển chợ búa ra đời, việc trao đổi sản vật trở nên cần thiết. Minh Tân không có chợ trước đây phải đi xa mãi sau này mới có chợ Mỏ (thuộc xã Yên Mỹ- Ý Yên), 1930 - 2000 chợ Mỏ mới có. Vì ở gần chợ lại ở ven sông nên người dân Minh Tân cũng có những thuận lợi trong cuộc sống “Thứ nhất cận thị, thứ nhì cận giang”. Tuy nhiên ở vào thời kỳ đầu nền kinh tế hàng hoá manh mún thì kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng và mang nặng tính tự cung tự cấp. Quá trình hình hành làng xã diễn ra đồng thời với việc xác lập đường giao thông nông thôn bao gồm cả đường sông và đường bộ. Về sông ngòi, cả vùng chỉ có một con sông tự nhiên là dòng sông Ba Sát (Sông Sắt). Dòng sông này tuy không lớn nhưng có tác dụng tích cực cho giao thông trong buổi đầu dân ta lập nghiệp. Dựa vào dòng sông này nhân dân trong vùng có thể chuyên chợ, trao đổi sản phẩm nông lâm nghiệp và vật liệu xây dựng. Song tác dụng lớn nhất vẫn là con sống tiêu úng và cung cấp nguồn nước vào những mùa khô cạn. Ngoài ra nhân dân còn đào một số con ngòi lấy nước cho những cánh đồng cao ở ven chân núi Ngăm. Đường sá ở các làng xã Minh Tân trước đây không có con đường liên xã chỉ có những đường quanh co gấp khúc ngập lội, tuy có đường 12 chạy qua Ngăm Thượng quãng đường này cũng chỉ mới hình thành tư thời Pháp thuộc. Vì đường sá quá xấu nên việc đi lại của nhân dân thường gặp khó khăn, nhất là những ngày mùa. Ruộng thụt đồng sâu, bờ ruộng vỡ lở, bước khô bước lội nên ngày mùa người nông dân phải bó lúa trên thuyền đưa lúa về nhà, nhiều tháng trong năm phải đi lại bằng thuyền nhỏ. Tình hình đường sá lầy lội cứ kéo dài cho đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 mới dần được cải thiện. Từ một vũng đất trũng hoang vu, lau sậy, sú vẹt, thuở nào nay đã trở thành những xóm làng khá trù phú ẩn mình sau luỹ tre xanh cùng với những cánh đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay. Có được những thành quả này, người dân nơi đây đã trải qua hàng ngàn thế hệ, trải qua bao nỗi vất vả gian truân, bao lần hưng suy xã hội để kế tiếp lớp tiền nhân mở đất tiếp nối nhau như một dòng chảy, lúc sôi nổi, lúc âm thầm lặng lẽ để trường tồn và phát triển.

Cơ quan chủ quản: UBND XÃ MINH TÂN
Địa chỉ : UBND Xã Minh Tân - huyện Vụ Bản - tỉnh Nam Định
Email: xaminhtan.vbn@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang